Quy định rõ quyền lợi người dân ở khu vực khai thác khoáng sản

Mới đây, tại Đối thoại chính sách “Chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức tại Hà Nội, Trung tâm đã dẫn chứng những số liệu tính toán từ Tổng điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy những con số đáng chú ý về hoạt động khai khoáng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có tổng cộng 3.804 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Xét theo lĩnh vực hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá với 1.935 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 50,87%) và khai thác cát sỏi với 873 doanh nghiệp (chiếm tỉ lệ 22,95%). Các doanh nghiệp khai thác kim loại và khai thác than có số lượng lần lượt là 330 doanh nghiệp (chiếm 8,68%) và 181 doanh nghiệp (chiếm 4,76%).

Những năm qua, các dự án khai thác khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác
Những năm qua, các dự án khai thác khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nơi có khoáng sản được khai thác

Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam đạt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn đến từ ngành khai thác than với gần 126,7 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 62,6% doanh thu toàn ngành khai khoáng). Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành khai thác đá đứng thứ hai với gần 37,5 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 18,5% doanh thu toàn ngành khai khoáng), theo sau là các doanh nghiệp khai thác quặng kim loại với tổng doanh thu hơn 19 nghìn tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 9,4% doanh thu toàn ngành khai khoáng).

Cơ cấu doanh thu của từng lĩnh vực phân theo loại hình sở hữu có sự khác nhau theo. Ví dụ, với ngành khai thác than, gần 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, với ngành khai thác đá, chỉ 3,1% doanh thu đến từ doanh nghiệp nhà nước, hơn 95% doanh thu đến từ doanh nghiệp tư nhân.

Năm 2019, các doanh nghiệp ngành khai khoáng đóng góp khoảng 1.491,2 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác than đóng góp 788,4 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 52,9%), các doanh nghiệp ngành khai thác đá đóng góp 394,9 tỷ đồng (tương đương 26,5%)…

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngành khai khoáng năm 2019 là gần 5.200 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp ngành khai thác đá có tổng lợi nhuận lớn nhất, xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Bình quân một doanh nghiệp ngành khai thác đá có lợi nhuận 11 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành khai thác than có tổng lợi nhuận vào khoảng 1.860,5 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận khoảng 5,64 tỷ đồng.

Thời gian qua, các dự án khai thác khoáng sản cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân khi nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến tuyển dụng người địa phương vào làm việc, bao gồm cả lao động nữ làm công việc như nấu cơm, bảo vệ. Hoạt động khai khoáng cũng giúp phát triển các dịch vụ hỗ trợ tại địa phương như mở quán tạp hóa bán đồ, mở quán ăn uống cho công nhân mỏ.

Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho địa phương số tiền hơn 126 tỷ đồng, với gần 1,1 triệu lao động sử dụng trong hoạt động khai thác.

Theo moitruongvadothi.vn