Bổ sung thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, xây dựng môi trường sạch đẹp

“Hiện nay, không khó để bắt gặp nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố lớn, khu vực công viên… Chất lượng dịch vụ nhà vệ sinh công cộng tại đây đã được cải thiện hơn, khu vực vệ sinh khá sạch sẽ, tiện nghi, có chỗ rửa tay. Tuy nhiên, người dân và khách du lịch tham quan, vui chơi, qua lại ở phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội rất đông đúc, số lượng nhà vệ sinh công cộng lại ít dẫn tới tình trạng phải xếp hàng, chờ đợi khá lâu khi đi vệ sinh”, chị Trần Hà My, người dân sinh sống ở đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, cho biết.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng bảo đảm vệ sinh, thân thiện với môi trường. Qua đó góp phần tích cực trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Bên cạnh những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, thường xuyên được dọn dẹp cẩn thận, phục vụ tốt thì cũng có không ít nhà vệ sinh đã xuống cấp, phần vỏ bên ngoài bị bong tróc lớp sơn, gỉ sét, cánh cửa bị gãy; bên trong rò rỉ nước, ô nhiễm, không thể sử dụng. Để khắc phục tình trạng số lượng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn các quận còn thiếu, nhiều nhà vệ sinh có dấu hiệu hư hỏng, chất lượng công tác duy trì, vận hành chưa được bảo đảm, Văn phòng UBND thành phố đã ban hành Công văn số 752/UBND-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý, duy trì và đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, trước hết là các quận nội đô và các huyện chuẩn bị chuyển thành quận: Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng và kịp thời chỉnh trang, duy tu, duy trì các nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn theo phân cấp quản lý; đề xuất phương án quản lý, duy tu, duy trì bảo đảm hiệu quả, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị; rà soát, xem xét sớm đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng tại những khu vực cần thiết trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, thân thiện với môi trường, đúng quy định.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Quy hoạch-Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác duy tu, duy trì, quản lý các nhà vệ sinh công cộng hiện có; lắp đặt các nhà vệ sinh lưu động phục vụ dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường thân thiện, cảnh quan đô thị; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội, các cơ quan báo, đài, truyền thông trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành của thành phố có liên quan thực hiện thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và khách du lịch trong việc sử dụng các nhà vệ sinh công cộng; bảo đảm vệ sinh môi trường và tạo lập nếp sống văn minh đô thị. Sở Tài chính TP Hà Nội chủ trì hướng dẫn, bố trí, sử dụng kinh phí cần thiết cho công tác duy tu, duy trì, quản lý các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm.

Tin tưởng rằng, với sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của chính quyền Thủ đô, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành cùng các quận, huyện, thị xã trong việc nghiên cứu triển khai xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng, nhân dân và khách du lịch đến với Hà Nội sẽ được đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thân thiện, xanh-sạch-đẹp với môi trường.

Theo Qdnd.vn